Ngôi nhà Bình yên – Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD)
Nhà Bình yên (NBY) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức ra đời ngày 08/3/2007, trong bối cảnh tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) và nạn mua bán người ở Việt Nam được nhận thức là nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ; chưa có luật phòng, chống mua bán người (MBN) và phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ); xã hội chưa thực sự chấp nhận mô hình nhà tạm lánh.
Từ nhu cầu thực tế, kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và sự hỗ trợ của quốc tế, Hội LHPN Việt Nam đã thành lập mô hình NBY dành cho nạn nhân BLGĐ, mua bán trở về và giao cho Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) quản lý và vận hành.
Từ mô hình NBY đầu tiên, đến nay đã có 02 NBY tại Hà Nội (01 dành cho nạn nhân bạo lực giới và 01 cho nạn nhân bị mua bán, đây là); 01 NBY cho phụ nữ bị bạo lực giới tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (thành lập năm 2018); 01 phòng tham vấn tại Trung tâm – 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội – và hỗ trợ mở 8 phòng tham vấn tại 8 tỉnh Hội phụ nữ: Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng; 03 đường dây nóng 24/7- hiện nay đã nâng cấp lên thành Tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680 có phần mềm quản lý ca để cập nhật dữ liệu phát sinh.
Mục đích của NBY nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý; góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy định của luật pháp, chính sách trong phòng chống bạo lực gia đình và mua bán người. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng (nạn nhân bị BLGĐ) và 6 tháng (nạn nhân bị MBN) tại NBY và sau đó tiếp tục theo dõi hồi gia 24 tháng.
- Phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại, bị bóc lột
- Thiếu môi trường sống an toàn, đang gặp khó khăn trong bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, về kỹ năng, sinh kế (thiếu hoặc không có việc làm ổn định,…);
- Có đơn Tự nguyện xin tạm lánh, trình bày rõ nhu cầu được NBY hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng
- Hợp tác với NBY để đảm bảo quá trình hỗ trợ hiệu quả và đảm bảo môi trường sống an toàn cho các thành viên NBY cả về thể chất và tinh thần.
- Phiếu tham vấn
- Đánh giá rủi ro
- Đơn xin tạm trú tại NBY (phụ nữ, trẻ em viết tay)
- Đơn Đề nghị tiếp nhận
- Biên bản giao chuyển phụ nữ, trẻ em (nếu được giao chuyển từ tổ chức khác, các địa phương, cá nhân)
- Bản photo giấy CMND hoặc hộ chiếu (nếu có)
- Giấy xác nhận thời gian phụ nữ, trẻ em bắt đầu tạm trú tại NBY
- Công văn, thông báo gửi về địa phương ). Việc gửi thông báo về địa phương sẽ do phụ nữ, trẻ em quyết định, trên cơ sở tham vấn của nhân viên xã hội, nhân viên tham vấn
- Biên bản giao chuyển phụ nữ, trẻ em giữa phòng Tham vấn và NBY/ đơn vị khác
- Phiếu đánh giá nhu cầu lần 1
- Các giấy tờ liên quan khác (nếu có): biên bản tiếp nhận phụ nữ, trẻ em được trao trả qua biên giới (với người bị mua bán trở về), công văn đề nghị NBY tiếp nhận, biên bản ghi lời khai…..
Ngôi nhà Bình Yên có địa điểm tại Hà Nội và Cần Thơ; nằm tại địa chỉ bí mật và có sự phối hơp quản lý của chính quyền địa phương. Không gian sống tại NBY được bố trí, sắp xếp thân thiện phù hợp với số lượng tiếp nhận bao gồm các phòng ngủ, khu vệ sinh, bếp và phòng ăn, phòng sinh hoạt chung được bố trí.
Phòng ngủ: gồm 02 loại phòng, phòng cho phụ nữ có con nhỏ (Phòng Mẹ và Bé) và phòng ở chung. Khu vệ sinh được bố trí phù hợp với số lượng và thuận tiện trong sử dụng.
Bếp và phòng ăn: được trang bị đầy đủ các đồ dùng vật dụng như ở gia đình. Là nơi NTT và Quản gia xây dựng thực đơn. Người tạm trú (NTT) tự chuẩn bị các bữa ăn và cùng nhau ăn chung.
Phòng Sinh hoạt chung: là nơi chào đón NTT mới, tiếp đón các đoàn khách và là nơi làm việc của bảo vệ.
Phòng tham vấn: là nơi Nhân viên xã hội (NVXH) hoặc Nhân viên tham vấn (NVTV) làm việc cá nhân hoặc làm việc theo nhóm với NTT.
Phòng làm việc: được trang bị đầy đủ các trang thiết bị làm việc cho nhân viên xã hội và quản lý nhà.