DẤU HIỆU HIV QUA TỪNG GIAI ĐOẠN

dấu hiệu hiv

Virus HIV vô cùng nguy hiểm khi có thể làm suy giảm miễn dịch khiến người bệnh suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, đồng thời lây lan rất nhanh chóng nếu không có biện pháp an toàn. Trong bài viết này, hãy cùng Trạm Xá Cầu Vồng tìm hiểu chi tiết về những dấu hiệu HIV phổ biến nhất qua các giai đoạn.

1. Dấu hiệu HIV giai đoạn đầu

Giai đoạn đầu còn gọi là sơ nhiễm HIV hoặc giai đoạn cửa sổ, diễn ra khoảng 3 – 6 tháng đầu kể từ lúc nhiễm. Mặc dù lúc này số lượng virus tăng lên rất nhanh, nhưng đa số người bệnh đều không có dấu hiệu HIV rõ ràng. Những triệu chứng này thường xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần. Thông thường, khoảng 2/3 số người nhiễm cảm thấy như mắc cảm cúm hoặc bệnh truyền nhiễm đơn thuần.

dấu hiệu hiv phổ biến
2/3 số người nhiễm HIV cảm thấy như mắc cảm cúm hoặc bệnh truyền nhiễm đơn thuần.

Nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy, viêm họng là dấu hiệu nhiễm HIV sau 3 tháng đầu. Người bệnh còn có triệu chứng sốt cao trên 38 độ và kéo dài khoảng 1-2 tuần. Da người bị HIV nổi phát ban đỏ, có thể gây ngứa hoặc không. Một số triệu chứng khác ở giai đoạn sơ nhiễm HIV có thể là:

  • Ớn lạnh.
  • Mệt mỏi và mất ngủ.
  • Đau nhức cơ thể, đau đầu.
  • Đau xương khớp và cơ bắp.
  • Sưng hạch bạch huyết ở nách, cổ, hoặc bẹn.
  • Đổ mồ hôi đêm.
  • Đau họng, viêm họng.
  • Bị nấm miệng, họng, và lưỡi.
  • Dấu hiệu HIV ở nam giới: Loét dương vật và bộ phận sinh dục.
  • Dấu hiệu HIV ở nữ giới: Nhiễm nấm âm đạo, chảy máu kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt, và đau bụng dưới.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bệnh hoàn toàn không có những triệu chứng trên. Điều này là rất nguy hiểm. Bởi người bệnh không biết mình đã nhiễm HIV và có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng khi không áp dụng biện pháp bảo vệ.

2. Dấu hiệu HIV giai đoạn Không triệu chứng

Ở giai đoạn này, bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng ra bên ngoài. Do đó, không ai biết được người bệnh đã nhiễm HIV, thậm chí với cả bản thân bệnh nhân. Thực chất, virus vẫn đang âm thầm phát triển và tàn phá hàng rào bảo vệ của cơ thể.

Virus trong giai đoạn này vẫn có thể được lây truyền trong cộng đồng do người bệnh không nhận thức được bản thân đã nhiễm HIV. Điều này làm tăng khả năng lây nhiễm nếu không được phát hiện sớm. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ có thể phát hiện HIV thông qua các xét nghiệm máu chuyên sâu. 

3. Dấu hiệu HIV giai đoạn cận AIDS

Lúc này, sức đề kháng và hệ miễn dịch đã bị suy giảm nặng nề. Tùy theo thể trạng và tình trạng nhiễm HIV mà giai đoạn cận AIDS sẽ diễn ra khác nhau. Có người chỉ vài tháng và có người kéo dài đến vài năm. Trong đó, điểm chung là đều có những triệu chứng phổ biến như:

  • Sốt cao kéo dài.
  • Tiêu chảy.
  • Sụt cân.
  • Đổ mồ hôi đêm.
  • Nổi mẩn ngứa, phát ban đỏ.
  • Đau họng, viêm họng.

Những triệu chứng này lặp đi lại liên tục với tần suất cao. Điều này cho thấy sức đề kháng và hệ miễn dịch của người bệnh đang bị hủy hoại nặng nề. Bên cạnh đó là nguy cơ cao mắc các bệnh như viêm amidan, viêm xoang, viêm miệng, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm Herpes…

4. Dấu hiệu HIV giai đoạn cuối

images2748122 dieu tri hiv pdog

Còn gọi là giai đoạn bệnh AIDS. Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh HIV với những triệu chứng như:

  • Nổi hạch cơ thể và ngứa toàn thân.
  • Sốt cao, tiêu chảy nặng, và ho kéo dài hơn 1 tháng.
  • Sụt cân mạnh, khoảng 10% tổng trọng lượng cơ thể.
  • Cơ thể dễ mệt mỏi, không thể tập trung.
  • Nấm miệng.
  • Đau họng, viêm họng nặng gây khó thở, khó ăn uống hoặc nói chuyện.

Nấm miệng là một dấu hiệu HIV giai đoạn cuối rất phổ biến. Dấu hiệu HIV ở miệng, họng, và lưỡi là xuất hiện nhiều mảng trắng, lở loét do nhiễm nấm. Một số loại nấm HIV thường là Candida albicans hoặc Penicillium marneffei.

Người bệnh ở giai đoạn này dường như là “da bọc xương” do tình trạng sụt cân rất nặng. Da bị HIV có các vết viêm loét, nhiễm trùng bị hoại tử rất nhanh. Đồng thời, bệnh nhân rất dễ bị tấn công bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội do hệ miễn dịch đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Một số bệnh cơ hội nguy hiểm như lao phổi, viêm ruột, viêm màng não, ung thư hạch bạch huyết, ung thư Kaposi…

Giai đoạn AIDS được xem là “sự kết thúc” của người nhiễm HIV. Bởi các nỗ lực điều trị đều không mang đến kết quả khả quan. Mục đích chính là nhằm kéo dài sự sống của người bệnh. Thông thường, AIDS kéo dài không quá 2 năm, nếu mắc nhiễm trùng cơ hội thì thời gian chỉ còn 1 năm.

5. Vì sao cần phát hiện và điều trị HIV ngay từ giai đoạn đầu?

Nhận biết các dấu hiệu HIV sớm mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh, gia đình và cộng đồng:

  • Duy trì và kéo dài tuổi thọ người bệnh: Các phương pháp chăm sóc và điều trị giúp tăng sức đề kháng và miễn dịch trước sự tấn công của virus HIV và bệnh nhiễm trùng cơ hội.
  • Giảm chi phí thuốc men: Không chỉ HIV mà người bệnh còn phải lo chi phí thăm khám, xét nghiệm, và điều trị các bệnh cơ hội. Khi cơ thể còn khỏe, chi phí này sẽ giảm đi đáng kể.
  • Hạn chế tối đa khả năng lây lan trong cộng đồng: Nếu sử dụng những biện pháp bảo vệ phù hợp thì HIV sẽ không bị lây nhiễm.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên làm xét nghiệm sàng lọc HIV vào thời điểm sau 2 – 3 tháng kể từ lúc phơi nhiễm. Đây là thời điểm của HIV giai đoạn 2 khi nhiễm trùng diễn biến thầm lặng và không có triệu chứng. Xét nghiệm lúc này cho ra kết quả chính xác nhất.

Tuy nhiên, vẫn nên xét nghiệm HIV từ giai đoạn đầu sơ nhiễm. Nghĩa là sau khi biết được nguy cơ lây nhiễm như sau khi quan hệ không an toàn hoặc tiếp xúc với nguồn máu lạ.

Việc hiểu biết những kiến thức về HIV và AIDS sẽ giúp người bệnh giảm mặc cảm, lo âu, tự ti… từ đó sớm tìm đến các dịch vụ điều trị HIV, đồng thời biết cách giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang bạn tình và cộng đồng.

Để được tư vấn hoặc sàng lọc nguy cơ lây nhiễm HIV, bạn có thể gọi tới HOTLINE (024.8888.6677) của Trạm Xá Cầu Vồng hoặc tự đánh giá trực tiếp TẠI ĐÂY

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *