Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở y tế tại Hà Nội đã xét nghiệm và phát hiện 162 ca nhiễm mới HIV. Ngành y tế TP. Hà Nội cam kết kiểm soát tốt các ca nhiễm mới HIV trong năm 2024, hướng tới giảm số ca nhiễm mới phát hiện xuống còn 450 ca.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện có 14.702 trường hợp nhiễm HIV còn sống tại Hà Nội, chiếm 6,6% tổng số ca nhiễm HIV còn sống của cả nước.
Trong số các ca nhiễm HIV mới phát hiện, 81,48% là nam giới, phân bố trong các nhóm tuổi 25 – 49 (57,41%) và 15 – 24 tuổi (22,84%). Các nhóm đối tượng gồm nam quan hệ tình dục đồng giới (11,73%) và tình dục khác giới (6,17%).
Các quận, huyện có số người nhiễm HIV lũy tích cao nhất là Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên.
Hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 98 trong phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay, Hà Nội quản lý 71,8% số người nhiễm HIV còn sống, tăng 1,2% so với năm 2023. Số người nhiễm HIV được điều trị ARV là 13.391 người, đạt 91,08%. Tỉ lệ người sống chung với H có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 98,1%.
Trong năm 2024, Hà Nội tập trung vào các mục tiêu: 80% người nghiện chích ma túy tiếp cận chương trình bơm kim tiêm; 68% phụ nữ mại dâm tiếp cận chương trình bao cao su; 68% nam giới quan hệ tình dục đồng giới tiếp cận chương trình bao cao su; 14.500 người nhiễm HIV/AIDS duy trì điều trị bằng thuốc kháng virus; 800 người nhiễm HIV bắt đầu điều trị ARV.
Trong 6 tháng cuối năm, ngành Y tế sẽ tập trung phát hiện mới các ca nhiễm HIV, duy trì và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng ARV tại 24 cơ sở điều trị HIV/AIDS, cơ sở cai nghiện ma túy số 2 và 2 trại giam (Thanh Xuân, Suối Hai), 2 trại tạm giam tại Hà Nội; 19/19 cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế.
Ngành y tế sẽ tăng cường kết nối, chuyển gửi người có HIV nghi mắc lao và ngược lại, bảo đảm điều trị đồng thời ARV và lao; các cơ sở điều trị ARV triển khai điều trị lao tiềm ẩn bằng Isoniazid và 3HP. Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ xét nghiệm tải lượng virus HIV cho người có HIV trong trại giam và trại tạm giam.
Để đạt các mục tiêu đề ra, các cơ sở điều trị sẽ duy trì và nâng cao chất lượng điều trị PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm HIV), kết nối người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV với các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị PrEP. Đồng thời, mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị PrEP tới các nhóm nguy cơ cao gồm: người quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới; người sử dụng ma túy; người bán dâm; vợ/chồng của người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV.
Theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 233.681 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống trên cả nước, trong đó có 12.800 trường hợp nhiễm mới trong năm 2023. Tổng số người nhiễm HIV/AIDS tử vong ghi nhận tại Việt Nam là 114.079. Trong năm 2023, cả nước đã tư vấn xét nghiệm cho hơn 2,1 triệu lượt người, trong đó khoảng 16.000 trường hợp có kết quả dương tính với HIV/AIDS. Trên 175.000 người sống chung với H được điều trị ARV, trong đó có 3.061 trẻ em; điều trị methadone cho khoảng 51.000 người.
Theo Tiengchuong.vn
Bài viết liên quan
Gói hỗ trợ Equal+: Hỗ trợ tài chính y tế cho cộng đồng dễ bị tổn thương tại Hà Nội
Gói hỗ trợ Equal+: Hướng tới chăm sóc sức khỏe công bằng cho cộng đồng..
Pride Month 2025: Tự hào là chính mình – Sống thật, yêu thật và tự do
Pride Month là gì và tại sao lại quan trọng? Pride Month – Tháng Tự..
Giang mai quay trở lại: Hồi chuông cảnh báo mới trong công cuộc kết thúc AIDS tại Việt Nam
Trong bức tranh tổng thể của nỗ lực chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt..
IDAHOBIT 2025: Sức Mạnh Của Cộng Đồng Trong Cuộc Chiến Chống Kỳ Thị LGBTIQ+
IDAHOBIT 2025 là gì? IDAHOBIT là viết tắt của cụm từ International Day Against Homophobia,..
Bộ Y tế Việt Nam muốn chuyển cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Chuyển đổi Giới tính
Trong thời gian gần đây, thông tin Bộ Y tế Việt Nam muốn chuyển giao..
Ngày Gan Thế Giới: Hành động hôm nay để bảo vệ lá gan ngày mai
Ngày Gan Thế Giới là gì? Ngày 19 tháng 4 hằng năm được chọn là..