Làm sao để nhận biết một người đang bị trầm cảm? Những dấu hiệu trầm cảm phổ biến là gì? Trầm cảm là căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 3.8% (tương đương 280 triệu) dân số bị trầm cảm, trong đó 5% ở người lớn, 5,7% ở người trên 60 tuổi. Trầm cảm ở mức nặng có thể dẫn đến tự sát. Hơn 700.000 người chết vì tự tử mỗi năm, cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở lứa tuổi 15-29.
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê cứ 20 người bình thường có một người từng rơi vào giai đoạn trầm cảm. Phụ nữ có tỷ lệ mắc chứng trầm cảm cao gấp đôi nam giới. Có nhiều yếu tố khác nhau tác động, góp phần làm tâm trạng của một người bị ảnh hưởng kéo dài dẫn đến trầm cảm.
Bệnh trầm cảm thường được chẩn đoán cùng với các tình trạng rối loạn tâm thần khác. Trầm cảm khác với những dao động tâm trạng thông thường và những phản ứng cảm xúc ngắn khi đối mặt với khó khăn. Khi bệnh trầm cảm phát triển tới mức độ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nó cũng khiến người bệnh làm việc kém năng xuất, học hành trì trệ, mối quan hệ trong gia đình ảnh hưởng tiêu cực.
Các dấu hiệu trầm cảm nặng là tâm trạng tồi tệ, buồn sâu sắc, tuyệt vọng kéo dài. Ở giai đoạn trầm cảm nặng thường biểu hiện rõ các triệu chứng đặc trưng nhất. Người bệnh rơi vào vòng suy nghĩ chán nản, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày, kèm theo các vấn đề về ăn, ngủ, năng lượng, sự tập trung và cách nhìn nhận giá trị bản thân. Người bị trầm cảm sẽ có các dấu hiệu trầm cảm trên kéo dài trong 2 tuần hoặc lâu hơn.
Những người có tâm trạng tiêu cực chán nản hay buồn trong một khoảng thời gian ngắn như vài giờ, 1 đến 2 ngày không phải là bệnh trầm cảm. Tuy nhiên điều này có thể trở thành mầm mống dẫn đến bệnh trầm cảm.
Các sự việc như mất mát hay thay đổi đột ngột có thể làm trầm trọng thêm các dấu hiệu trầm cảm. Các giai đoạn trầm cảm có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố bao gồm: sự ra đi của người thân, đổ vỡ trong tình cảm, hôn nhân, thất nghiệp, căng thẳng tài chính, bị bệnh kéo dài, thay đổi môi trường sống…
Trầm cảm ảnh hưởng đến sức khỏe bằng cách thay đổi mức độ hoạt động cũng như thay đổi hành vi trong sinh hoạt thường ngày. Trầm cảm thường ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ, thèm ăn hoặc chán ăn hơn, sự tập trung, tâm trạng, mức năng lượng, sức khỏe thế chất và đời sống xã hội. Thông thường những người đang bị trầm cảm cảm thấy khó khăn khi thức dậy, ít động lực, năng lượng, hay cáu kỉnh và buồn. Những điều này xảy ra thường xuyên khiến chất lượng sống của người bệnh bị giảm rất nhiều.
9 dấu hiệu trầm cảm nguy hiểm cần được cảnh báo
Dưới đây là 9 dấu hiệu trầm cảm điển hình của bệnh cần được cảnh báo và điều trị sớm:
- Tâm trạng chán nản thường xuyên, gần như mỗi ngày.
- Giảm quan tâm hay niềm vui với tất cả hoạt động, hay sở thích.
- Chán ăn, sụt cân hoặc thèm ăn, tăng cân.
- Mất ngủ thường xuyên.
- Kích động hoặc thao tác chậm, phản ứng chậm, nói chậm hơn bình thường.
- Thường xuyên mệt mỏi và mất năng lượng.
- Có cảm giác bất lực, tội lỗi quá mức, tự thấy bản thân kém cỏi.
- Suy giảm khả năng tập trung, do dự, khó quyết định mọi thứ.
- Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết, thường xuyên có ý định tự tử.
Mặc dù mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm chưa được thống nhất, nhưng có thể phân độ nghiêm trọng thông qua triệu chứng, thời gian và các suy giảm chức năng cơ thể đi kèm. Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ cho rằng mức độ và triệu chứng của bệnh trầm cảm có mối liên kết. Trầm cảm được chia ra các mức độ bệnh như sau:
- Triệu chứng dưới ngưỡng trầm cảm: có ít hơn 5 triệu chứng trầm cảm.
- Dấu hiệu Trầm cảm nhẹ: có hơn 5 triệu chứng trầm cảm, các triệu chứng làm suy giảm chức năng nhẹ.
- Dấu hiệu Trầm cảm vừa phải: các triệu chứng trầm cảm có ảnh hưởng đến chức năng cơ thể nhẹ hoặc nặng.
- Dấu hiệu Trầm cảm nặng: có hầu hết tất cả các triệu chứng trầm cảm, ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động, đời sống, công việc, học tập và sức khỏe.
Các triệu chứng có mối liên quan chặt chẽ với mức độ suy giảm chức năng cơ thể, hoạt động ăn, uống, ngủ, độ tập trung… Quy ước theo thời gian, bệnh trầm cảm cũng được chia theo mức độ bệnh.
- Cấp tính: có triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng từ 2 tuần đến dưới 2 năm.
- Mãn tính: triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng kéo dài hơn 2 năm. Trên thực tế, tốt nhất nên xem xét thời gian cụ thể và mức độ kéo dài của các triệu chứng với từng cá nhân cùng mức độ nghiêm trọng của nó.
Phân loại dấu hiệu trầm cảm
Các triệu chứng trầm cảm có thể phức tạp và khác nhau theo từng đối tượng. Người bị trầm cảm có thể có các triệu chứng về tâm lý hoặc không. Để nhận biết được người bị trầm cảm, ta sẽ dựa trên phân nhóm triệu chứng như sau:
1. Dấu hiệu trầm cảm tâm lý
Một số người khi bị trầm cảm sẽ có triệu chứng tâm lý rõ rệt, với các biểu hiện như:
- Tâm trạng thường xuyên buồn bã.
- Cảm thấy vô vọng và bất lực.
- Có lòng tự trọng thấp.
- Dễ khóc.
- Cảm thấy tội lỗi.
- Cáu kỉnh và nổi nóng.
- Không có động lực và hứng thú với mọi chuyện kể cả sở thích.
- Rất khó đưa ra quyết định.
- Cảm thấy lo lắng nhiều đối với mọi việc, kể cả chuyện rất nhỏ.
- Có ý nghĩ tự tử hoặc suy nghĩ làm tổn thương cơ thể.
2. Dấu hiệu trầm cảm thể chất
- Di chuyển chậm, nói chậm hơn bình thường.
- Thay đổi khẩu vị, chán ăn, sụt cân, đôi khi bị táo bón.
- Đau nhức không rõ nguyên nhân.
- Thiếu năng lượng.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.
- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ.
3. Dấu hiệu trầm cảm xã hội
- Không thích hay né tránh tiếp xúc với bạn bè và các hoạt động chung.
- Không còn hứng thú với sở thích.
- Gặp rắc rối trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Nguyên nhân gây trầm cảm
Không có nguyên nhân duy nhất gây bệnh trầm cảm. Một số người đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống như mất người thân, ly hôn, bệnh tật, mất việc làm, khủng hoảng tài chính… Các nguyên nhân khác nhau có thể kết hợp để gây ra bệnh trầm cảm. Ví dụ bạn đang mệt mỏi và chán nản khi bị bệnh dai dẳng, sau đó lại trải qua một sự kiện buồn như mất người thân, điều này tăng nguy cơ dẫn đến trầm cảm. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp gây bệnh trầm cảm.
- Căng thẳng: khi đối diện với các sự kiện buồn, căng thẳng như mất người thân, đổ vỡ mối quan hệ yêu đương, vợ chồng. Khi gặp những tổn thương mất mát, nhiều người trở nên buồn bã, không còn hứng thú gặp gỡ bạn bè, người thân và cố gắng tự giải quyết vấn đề của mình. Tình trạng căng thẳng kéo dài, nếu tâm trạng không được cải thiện rất dễ rơi vào trầm cảm.
- Nhân cách: tính cách tác động rất nhiều đến suy nghĩ. Với một số người khi đứng trước các sự việc căng thẳng có thể không bị trầm cảm nhưng một số người khó thoát ra được suy nghĩ buồn bã và tiêu cực. Người dễ trầm cảm thường quá khắt khe với bản thân, luôn sợ phán xét, mong muốn những gì hoàn hảo nhất. Điều này có thể do gen thừa hưởng từ cha mẹ hoặc ảnh hưởng từ nhỏ.
- Lịch sử gia đình: nếu ai đó trong gia đình từng bị trầm cảm, nhiều khả năng bạn cũng mắc bệnh này.
- Sinh con: một số phụ nữ dễ trầm cảm sau sinh. Những thay đổi về nội tiết tố và thể chất, cơ thể, cũng như gia tăng trách nhiệm, có thể dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.
- Sự cô đơn: cảm giác cô đơn ở một số người bị cắt đứt mối quan hệ khỏi gia đình, bạn bè làm gia tăng nguy cơ trầm cảm.
- Rượu và ma túy: trong những sự kiện buồn, nhiều người cố gắng đối phó bằng cách uống quá nhiều rượu hoặc dùng ma túy. Điều này có thể dẫn đến vòng xoáy trầm cảm. Sử dụng ma túy, rượu, chất kích thích ảnh hướng đến chất hóa học của não, làm tăng nguy cơ trầm cảm.
- Bệnh tật: những người bị bệnh mạn tính, bệnh phải điều trị trong thời gian dài, tái phát nhiều là đối tượng dễ trầm cảm. Một số người bị bệnh nội tiết khiến cơ thể mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục từ đó dẫn đến trầm cảm.
Điều gì xảy ra nếu bị trầm cảm
- Trầm cảm và nguy cơ tự sát: trầm cảm là yếu chính dẫn đến tự tử. Tuyệt vọng sâu sắc khiến người bệnh nghĩ đến cái chết để thoát khỏi nỗi đau. Người bị trầm cảm thường không cảm nhận được giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Nếu bạn có người thân và bạn bè có các dấu hiệu cảnh báo như: nói về việc tự sát hay làm hại bản thân, thể hiện cảm giác tuyệt vọng hay mắc kẹt bởi vấn đề gì đó, có mối bận tâm bất thường đến việc chết, hành động liều lĩnh và nguy hiểm, gọi điện cho người thân để nói lời tạm biệt, sắp công việc theo thứ tự như cho đi tài sản quý giá, giải quyết vấn đề một cách thờ ơ, đột ngột từ người đang suy sụp trở nên bình tĩnh và hạnh phúc… Nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên, bạn nên cởi mở nói chuyện, tỏ sự quan tâm chân thành với họ và tìm kiếm người thân giúp đỡ.
- Tâm lý người bệnh trở nên tồi tệ hơn.
- Tăng khả năng gặp vấn đề về sức khỏe như chứng mất trí nhớ.
- Trầm cảm có thể dẫn đến bệnh tiểu đường hoặc đau mãn tính.
Để tự sàng lọc về tình trạng Sức khỏe tinh thần và các dấu hiệu trầm cảm, bạn có thể gọi tới HOTLINE (024.8888.6677) của Trạm Xá Cầu Vồng hoặc tự đánh giá trực tiếp TẠI ĐÂY
Nếu nhận thấy bản thân, người thân, bạn bè có các dấu hiệu trầm cảm, triệu chứng bất thường đến tâm lý cần đưa họ đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và điều trị. Trên hết, sự đồng cảm, quan tâm, lắng nghe đến từ gia đình và bạn bè là động lực quan trọng giúp người bệnh trầm cảm cải thiện tốt hơn.
Bài viết liên quan
CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN CHO NGƯỜI LGBTIQ+ TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI
Trong xã hội hiện đại, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người LGBTIQ+..
Luật Chuyển đổi Giới tính tại Việt Nam: Những Bước Tiến và Thách Thức
Ngày 12/9 vừa qua, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc..
HỖ TRỢ TINH THẦN CHO NGƯỜI CHUYỂN GIỚI: NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA
Hỗ trợ tinh thần cho người chuyển giới đóng vai trò cực kỳ quan trọng..
BẠO LỰC VỚI CỘNG ĐỒNG LGBTIQ+: HƯỚNG DẪN ỨNG PHÓ VÀ BẢO VỆ BẢN THÂN
Bạo lực với cộng đồng LGBTIQ+ (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Intersex, Queer/Questioning) không chỉ là..
BẠO LỰC NGÔN TỪ TRÊN MẠNG XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI LGBT: HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP GIẢM KỲ THỊ
Bạo lực ngôn từ hay còn gọi là “ngôn từ căm thù” (hate speech), là các..
VÌ SAO NGƯỜI LGBT+ CẦN TỰ CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN
Trong xã hội hiện nay, cộng đồng LGBT+ luôn là những mảnh ghép quan trọng,..